Ngỡ ngàng vẻ đẹp thơ mộng của Sapa vào thu
Tại vùng núi Tây Bắc của Tổ Quốc, nơi ấy có một thị trấn nhỏ mang tên Sapa. Nơi đây, được mệnh danh là thị trấn trong sương.
Sapa thu hút mọi ánh nhìn của du khách ngay từ lần đầu tiên bởi vẻ đẹp huyền ảo của nó. Sapa tựa như một cô gái đang tuổi xuân thì, biết ngại ngùng, biết ẩn mình trước ánh nhìn của các chàng trai.
Bốn mùa tại Sapa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng khiến cho du khách mê mẩn không muốn rời đi. Nếu như mùa xuân, dưới những ánh nắng vàng rực rỡ là những cành đào, cành mận khoe sắc thắm. Mùa hè, mùa lễ hội của hoa trái cùng với đó là rừng hoa đỗ quyên khoe sắc đỏ thắm trên dãy Hoàng Liên Sơn uy nghi hùng vĩ. Mùa đông, cả Sapa như tĩnh lặng hơn khi được bao phủ bởi một chiếc chăn bông được tạo nên từ tuyết. Nhưng để nói đến vẻ đẹp thơ mộng của Sapa, thì chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến mùa thu ở nơi đây.
Đến với Sapa vào mùa thu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của núi rừng nơi đây.
Thung lũng Mường Hoa
Có lẽ, mùa thu là mùa đẹp nhất của thung lũng Mường Hoa. Những dải lụa vàng rung rinh trong gió, tỏa hương thơm ngát của những thửa lúa chín vàng của đồng bào người dân tộc nơi đây. Bên cạnh đó, là dòng suối Mường Hoa với làn nước trong vắt uốn lượn chảy qua các bản làng. Đứng từ trong thung lũng nhìn lên, du khách có thể bắt gặp hình ảnh của người dân nơi đây đang còng lưng thu hoạch lúa. Hay hình ảnh những e nhỏ chạy tung tăng trên những thửa lúa chín vàng.
Thác Bạc
Thác Bạc, con thác quanh năm nước chảy từ trên đỉnh nước bắn bọt trắng xóa. Nhưng có lẽ, chỉ có mùa thu thì du khách mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp. Dòng nước nơi đây vốn dĩ đã trong, nhưng vào mùa này làn nước càng trong hơn bình thường. Mùa thu đi dạo trong rừng thông, cảm nhận cái se lạnh, tham gia cắm trại thì chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn.
Ngoài hai địa điểm trên du khách không nên bỏ lỡ những địa điểm sau: cây Cầu Mây quanh năm sương mù của suối bốc lên tựa như trên tiên cảnh, đỉnh Phan – xi – phăng, nhà thờ Sapa, núi Hàm Rồng, phố Tây Cầu Mây…
Ngoài ngắm cảnh, du khách còn được tham gia vào một lễ hội chỉ có thể thấy ở các tỉnh miền núi Tây Bắc ” Tết cơm mới”. Cứ vào dịp lúa chín, người dân nơi đây lại tổ chức tết cơm mới như để tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đến với lễ hội, du khách có thể hiểu thêm nhiều nghi lễ của đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, thưởng thức những món ăn được làm từ nếp mới thu hoạch và tham gia các trò chơi cũng như điệu nhạc của lễ hội.